Luật Thanh tra là nền tảng pháp lý quan trọng bảo đảm tính minh bạch, hiệu lực trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.Với nhiều sửa đổi mang tính đột phá, luật mới làm rõ thẩm quyền, cơ cấu tổ chức thanh tra, siết chặt trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy Luật Thanh tra 2022 có gì mới, những điểm nào cá nhân, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý? Hãy cùng Luật Đại Bàng phân tích chi tiết trong bài viết dưới đây.
Luật thanh tra là gì?
Luật Thanh tra năm 2022 (số 11/2022/QH15) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14/11/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 thay thế Luật Thanh tra năm 2010. Luật này bao gồm 8 chương và 118 điều, tăng 1 chương và 40 điều so với Luật cũ nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Những nội dung quan trọng và điểm mới của Luật Thanh tra
Cập nhật chi tiết về Luật Thanh tra năm 2022 cho cá nhân, doanh nghiệp nắm rõ:
Trách nhiệm của Thủ tướng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra
Luật Thanh tra năm 2022 quy định Thủ tướng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Theo Điều 6, Thủ trưởng phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý và lĩnh vực phụ trách.
Khi phát hiện vi phạm, phải áp dụng hoặc kiến nghị áp dụng biện pháp xử lý theo quy định, nếu có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Luật cũng nêu rõ trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Quy định đối với tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 kế thừa Luật Thanh tra năm 2010, đồng thời điều chỉnh mô hình tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước phù hợp với thực tiễn quản lý tại các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm:
- Thanh tra Chính phủ: Giúp Chính phủ quản lý nhà nước và thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước (Điều 10).
- Thanh tra tỉnh: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước tại địa phương (khoản 1 Điều 22)
- Thanh Tra huyện: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thực hiện nhiệm vụ tương tự trong phạm vi quản lý cấp huyện (khoản 1 Điều 30).
Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, bao gồm các tổ chức sau đây:
- Thanh tra bộ: Giúp Bộ trưởng thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (khoản 1 Điều 14). Bảo đảm không chồng chéo với chức năng thanh tra của các đơn vị khác thuộc Bộ.
- Thanh tra tổng cục, cục: Thực hiện thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý được giao (khoản 1 Điều 18), được thành lập nếu có quy định của luật hoặc điều ước quốc tế và tổng cục/ cục có phạm vi quản lý lớn, phức tạp, quan trọng về kinh tế – xã hội.
- Thanh tra sở: Giúp Giám đốc sở thực hiện thanh tra trong phạm vi chuyên môn, quản lý được giao (khoản 1 Điều 26). Chỉnh thành lập trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của luật, Chính phủ hoặc do UBND cấp tỉnh quyết định. Trường hợp không thành lập, nhiệm vụ thanh tra được giao cho đơn vị khác hoặc do Thanh tra tỉnh đảm nhiệm (điểm đ khoản 1 Điều 23).
Quy định đối với thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, chương III Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra viên cùng người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
- Thanh tra viên: Thanh tra viên là công chức được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định pháp luật. Ngạch thanh tra viên được quy định bao gồm: thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp. Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, trang phục và thẻ thanh tra từ Điều 39 đến Điều 43 nhằm xây dựng đội ngũ thanh tra viên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
- Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành: Là công chức thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trường hợp đặc biệt có thể là viên chức tại cơ quan thuộc Chính phủ (theo quy định của Chính phủ). Người được giao thực hiện nhiệm vụ này phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau (Điều 38): có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực thanh tra, am hiểu pháp luật và có nghiệp vụ thanh tra, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thanh tra (không tính thời gian tập sự).
Hoạt động thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động thanh tra đồng thời phân biệt rõ ràng giữa thanh tra và kiểm tra:
- Hình thức thanh tra: Luật bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, chỉ giữ lại hai hình thức là Thanh tra theo kế hoạch và Thanh tra đột xuất.
- Thời hạn, tạm dừng, đình chỉ thanh tra: Luật quy định cụ thể về Thời hạn thanh tra, Gia hạn thời hạn thanh tra và Tạm dừng và đình chỉ cuộc thanh tra trong những trường hợp cần thiết.
- Các bước tiến hành thanh tra bao gồm: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, kết thúc cuộc thanh tra.
- Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra: Luật quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là thủ tục bắt buộc đối với Thanh tra Chính phủ và Thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh.
- Giám sát hoạt động thanh tra: Khắc phục hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010, Luật năm 2022 đã luật hóa đầy đủ các quy định về giám sát hoạt động thanh tra (từ Điều 97 đến Điều 101). Các nội dung giám sát vốn trước đây chỉ được quy định nguyên tắc trong văn bản dưới luật này được quy định rõ ràng, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động thanh tra.
Nhiệm vụ, quyền hạn đối với người tiến hành thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của những người trực tiếp tham gia hoạt động thanh tra tại Mục 5, Chương IV, cụ thể:
- Người ra quyết định thanh tra: Có thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kiến nghị của đoàn thanh tra, quyết định xử lý kết quả thanh tra và các quyền hạn liên quan khác.
- Trường đoàn thanh tra: Chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của đoàn thanh tra, báo cáo, đề xuất với người ra quyết định thanh tra, ký văn bản trong quá trình thực hiện thanh tra.
- Thành viên khác của đoàn thanh tra: Đảm bảo phải thực hiện nhiệm vụ theo như sự phân công của trưởng đoàn, báo cáo kết quả công việc, tuân thủ quy định pháp luật và kế hoạch thanh tra.
Quyền hạn, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra
Theo Điều 92 Luật Thanh tra năm 2022, đối tượng thanh tra có các quyền sau:
- Giải trình về tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra
- Khiếu nại đối với quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra hoặc quyết định xử lý về thanh tra theo quy định pháp luật
- Kiến nghị về nội dung kết luận thanh tra nếu cho rằng chưa chính xác
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại và khôi phục quyền cũng như lợi ích hợp pháp
- Cá nhân là đối tượng thanh tra sẽ có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật về tố cáo
Bên cạnh các quyền thì đối tượng thanh tra cùng cần phải đáp ứng các nghĩa vụ thanh tra cơ bản sau:
- Chấp hành quyết định thanh tra
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo đúng yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin, tài liệu đã cung cấp
- Thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kết luận và quyết định xử lý về thanh tra
Luật Thanh tra năm 2022 là bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng chống tham nhũng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Nếu bạn là doanh nghiệp, cá nhân đang cần tư vấn pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo hoặc hỗ trợ giải quyết các vấn đề về thuế – đừng ngần ngại liên hệ Luật Đại Bàng. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bạn bằng kinh nghiệm và sự tận tâm.
Hoàng Văn Minh nổi tiếng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Với phương châm “Công lý và sự minh bạch” ông Minh không chỉ là một luật sư giỏi mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình bảo vệ quyền lợi pháp lý của mỗi người. Trang web Luật Đại Bàng do ông điều hành đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều người tìm kiếm sự trợ giúp và tư vấn pháp lý. Hoàng Văn Minh cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh hơn.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://luatdaibang.net
- Email: ceohoangvanminh@gmail.com
- Địa chỉ: 292 Đ. Nguyễn Xí, Phường 13, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh, Việt Nam