Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội thông qua góp phần hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam. Trước bối cảnh thị trường hàng hóa – dịch vụ ngày càng phát triển đi kèm với những rủi ro và tranh chấp, luật mới là cơ sở để xử lý vi phạm. Trong bài viết này, Luật Đại Bàng sẽ tổng hợp và phân tích những quy định quan trọng của luật nhằm giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức có cái nhìn đầy đủ.
Người tiêu dùng là ai?
Tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, người tiêu dùng được hiểu là cá nhân, tổ chức mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích phục vụ đời sống, sinh hoạt, không nhằm mục tiêu thương mại. Đây là đối tượng trung tâm được pháp luật bảo vệ trong các giao dịch tiêu dùng thông thường. Khái niệm này được quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Luật, thể hiện rõ phạm vi bảo vệ của pháp luật đối với mọi đối tượng sử dụng hàng hóa – dịch vụ.
Các quyền lợi người tiêu dùng được pháp luật đảm bảo
Về quyền lợi, Luật năm 2023 tiếp tục kế thừa và đồng thời mở rộng các quyền quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh phát triển của thương mại điện tử, công nghệ số và gia tăng tranh chấp dân sự. Cụ thể:
- Người tiêu dùng được bảo đảm về sức khỏe, tính mạng, tài sản, thông tin cá nhân cũng như danh dự, nhân phẩm trong suốt quá trình mua sắm và sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
- Có quyền được cung cấp hóa đơn, chứng từ và các tài liệu liên quan đến giao dịch; được thông báo đầy đủ, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp.
- Người tiêu dùng có quyền quyết định lựa chọn nhà cung cấp, từ chối giao dịch và thương lượng các điều khoản phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
- Có thể góp ý, phản ánh về chất lượng sản phẩm, thái độ phục vụ hoặc phương thức giao dịch với bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật, sai lệch về chất lượng, nguồn gốc hoặc quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm và bồi thường.
- Luật tạo điều kiện để người tiêu dùng đóng góp vào quá trình hoàn thiện pháp luật và chính sách liên quan đến quyền lợi tiêu dùng.
- Khi quyền lợi bị vi phạm, người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp hoặc khởi kiện trực tiếp ra tòa án.
- Luật quy định quyền được tư vấn kiến thức, kỹ năng tiêu dùng an toàn và thông minh, góp phần bảo vệ bản thân trong các giao dịch hàng ngày.
- Người tiêu dùng được khuyến khích lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
- Khi sử dụng dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện nước,… quyền lợi người tiêu dùng cũng được luật pháp bảo vệ tương tự như trong giao dịch thương mại.
Nghĩa vụ của người tiêu dùng theo quy định bao gồm những gì?
Bên cạnh các quyền lợi được pháp luật bảo vệ, người tiêu dùng cũng phải thực hiện đầy đủ một số nghĩa vụ nhất định. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định người tiêu dùng có trách nhiệm:
- Chủ động kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận và tiêu dùng, đồng thời lựa chọn sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phù hợp với quy định pháp luật.
- Tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm, không sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các mục đích vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội hoặc gây tổn hại đến quyền, lợi ích của cá nhân và cộng đồng.
- Tuân thủ hướng dẫn sử dụng và quy định liên quan, bao gồm điều kiện vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, cũng như các quy chuẩn về kiểm định chất lượng, bảo vệ môi trường và tiêu dùng bền vững.
- Thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu phát hiện sản phẩm, dịch vụ có dấu hiệu không an toàn.
- Trung thực trong cung cấp thông tin, chịu trách nhiệm về độ chính xác, đầy đủ của các thông tin được cung cấp trong quá trình giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quy định nổi bật của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật số 19/2023/QH15) đã chính thức được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật gồm 7 chương, 80 điều, thay thế Luật năm 2010 với nhiều điểm mới quan trọng.
Mở rộng đối tượng áp dụng
Luật 2023 bổ sung thêm các tổ chức như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp,… tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 2).
Thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Lần đầu tiên, khái niệm tiêu dùng bền vững được đưa vào luật (khoản 10 Điều 3), kèm theo quy định về hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững cùng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này (Điều 7, Điều 75).
Tăng quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng
Người tiêu dùng hiện có 11 quyền (tăng thêm 3 quyền so với Luật 2010), bao gồm: quyền lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, quyền yêu cầu hỗ trợ giải quyết tranh chấp, quyền được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công (Điều 4). Đồng thời, người tiêu dùng có thêm nghĩa vụ trong việc tuân thủ hướng dẫn sử dụng, cung cấp thông tin chính xác và thực hiện tiêu dùng có trách nhiệm (Điều 5).
Xác định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Luật xác định rõ các nhóm dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu vùng xa, người mắc bệnh hiểm nghèo,… Các tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với các nhóm đối tượng này (Điều 8).
Xác định nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Mở rộng hành vi bị nghiêm cấm
Luật cấm một số hành vi mới, đáng chú ý như: tài trợ ngầm cho người có ảnh hưởng nhằm khuyến khích tiêu dùng; cản trở người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm; ép buộc người tiêu dùng phải mua thêm hàng hóa, dịch vụ trái ý muốn (Điều 10).
Quy định rõ trách nhiệm bồi thường cho các đối tượng liên quan
Ngoài nhà sản xuất, Luật quy định thêm trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức, cá nhân trung gian thương mại và các chủ thể khác liên quan. Một số trường hợp được miễn trách nhiệm cũng được quy định rõ như: sản phẩm có khuyết tật không thể phát hiện bằng trình độ công nghệ hiện tại, hoặc người tiêu dùng đã được cảnh báo nhưng vẫn sử dụng sản phẩm gây thiệt hại (Điều 34-35).
Tăng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh
Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, chất lượng, thông tin minh bạch về sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý khiếu nại và bảo vệ thông tin người tiêu dùng (Điều 14, 15, 30, 31).
Quy định về các giao dịch đặc thù
Luật bổ sung quy định đối với giao dịch từ xa, giao dịch trên không gian mạng và nghĩa vụ công khai thông tin pháp lý tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Chương III).
Thức đầy vai trò của các tổ chức xã hội
Quy định rõ trách nhiệm và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, từ đó mở rộng sự tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực này (Chương IV).
Cấp phép thêm phương thức giải quyết tranh chấp
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cho phép giải quyết tranh chấp bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc các phương thức khác. Đồng thời, cụ thể hóa quy trình thương lượng, hòa giải, trọng tài và tố tụng tại tòa án (Chương V, Điều 54).
Quy định rõ trách nhiệm các cấp quản lý
Luật quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp và các bộ, ngành trong công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phối hợp thực thi và giao nhiệm vụ cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng (Chương VI).
Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, mỗi cá nhân cần chủ động trang bị kiến thức pháp luật và biết cách hành động khi quyền lợi bị xâm phạm. Luật Đại Bàng tự hào là đơn vị tư vấn pháp luật chuyên sâu, sẵn sàng hỗ trợ bạn. Với quy trình làm việc chuyên nghiệp chúng tôi cam kết bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng và đáp ứng nhu cầu pháp lý của bạn.
Hoàng Văn Minh nổi tiếng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Với phương châm “Công lý và sự minh bạch” ông Minh không chỉ là một luật sư giỏi mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình bảo vệ quyền lợi pháp lý của mỗi người. Trang web Luật Đại Bàng do ông điều hành đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều người tìm kiếm sự trợ giúp và tư vấn pháp lý. Hoàng Văn Minh cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh hơn.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://luatdaibang.net
- Email: [email protected]
- Địa chỉ: 292 Đ. Nguyễn Xí, Phường 13, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh, Việt Nam