Chữ Ký Số Là Gì? Những Thông Tin Liên Quan Về Chữ Ký Số

Với sự phát triển của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số, chữ ký số ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Từ các tập đoàn lớn cho đến các doanh nghiệp nhỏ, chữ ký số đang được sử dụng rộng rãi như một phương thức ký kết hợp đồng, văn bản, giao dịch trực tuyến an toàn và hiệu quả. Vậy chữ ký số là gì, cùng Luật Đại Bàng tìm hiểu chi tiết ngay.

Chữ ký số là gì? Chữ ký số có bắt buộc không?

Chữ ký số hiện nay không bắt buộc nhưng doanh nghiệp, cá nhân nên sử dụng
Chữ ký số hiện nay không bắt buộc nhưng doanh nghiệp, cá nhân nên sử dụng

Khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chữ ký số là một loại chữ ký điện tử được tạo ra bằng cách sử dụng mã hóa không đối xứng. Điều này có nghĩa là khi người nhận có thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký họ có thể xác định chính xác người đã ký và đảm bảo tính xác thực của thông điệp đó.

Trên thực tế việc sử dụng chữ ký số không phải là bắt buộc. Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020 pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng chữ ký số trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.

Chữ ký số được sử dụng trong các trường hợp nào

Trường hợp sử dụng chữ ký số sẽ được phân chia theo đối tượng cụ thể 
Trường hợp sử dụng chữ ký số sẽ được phân chia theo đối tượng cụ thể

Dưới đây là các trường hợp phổ biến mà chữ ký số được sử dụng, phân chia theo từng đối tượng cụ thể:

1. Chữ ký số cá nhân

Chữ ký số cá nhân giúp xác thực danh tính của một người đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch và tài liệu điện tử. Các ứng dụng phổ biến của chữ ký số cá nhân bao gồm:

  • Ký kết văn bản điện tử: Các loại hợp đồng, hóa đơn, thỏa thuận và tờ khai thuế cá nhân.
  • Giao dịch trực tuyến: Sử dụng trong các giao dịch ngân hàng điện tử, mua bán chứng khoán điện tử và giao dịch thương mại điện tử.
  • Đăng ký dịch vụ công trực tuyến: Ví dụ như đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc xin cấp phép xây dựng.

2. Chữ ký số doanh nghiệp hoặc tổ chức

Chữ ký số dành cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ có giá trị pháp lý tương đương với con dấu giúp tăng tốc và đơn giản hóa các giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan nhà nước. Các trường hợp doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể sử dụng chữ ký số bao gồm:

  • Giao dịch với cơ quan nhà nước: Ví dụ như khai thuế điện tử, khai hồ sơ bảo hiểm xã hội điện tử, nộp thuế điện tử và hải quan điện tử.
  • Giao dịch thương mại điện tử: Bao gồm việc phát hành hóa đơn điện tử, tham gia thương mại điện tử, mua bán và thanh toán qua mạng.
  • Ký kết các chứng từ nội bộ: Chẳng hạn như phiếu thu, phiếu chi, báo cáo quản trị và các chứng từ tài chính khác.
  • Ký hợp đồng: Gồm hợp đồng lao động, hợp đồng thương mại hoặc các hợp đồng ba bên.

3. Chữ ký số cho cá nhân thuộc tổ chức

Chữ ký số cá nhân trong tổ chức giúp nhận diện các cá nhân như Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng phòng,.. trong môi trường điện tử, mục đích sử dụng bao gồm:

  • Giao dịch nội bộ trong tổ chức: Ký các văn bản điện tử hoặc email, thực hiện các nghiệp vụ như ký phiếu tạm ứng, phiếu chi, phiếu thu.
  • Tham gia các giao dịch ngoài tổ chức: Như giao dịch thương mại điện tử, thanh toán ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử theo sự ủy quyền của tổ chức.

4 loại chữ ký số được sử dụng phổ biến hiện nay

Bên cạnh câu hỏi chữ ký số là gì thì các loại chữ ký số hiện nay cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Dưới đây là 4 loại chữ ký số phổ biến nhất hiện nay:

Chữ ký số USB Token

Chữ ký số USB Token - Loại chữ ký số  thông dụng nhất hiện nay
Chữ ký số USB Token – Loại chữ ký số  thông dụng nhất hiện nay

Chữ ký số USB Token là loại phổ biến nhất được sử dụng thông qua một thiết bị USB đặc biệt. Người dùng cần cài đặt phần mềm ký số trên máy tính và sau đó cắm USB vào máy tính để thực hiện ký số. Để bảo mật người dùng sẽ đăng nhập bằng mã PIN cá nhân và thực hiện các giao dịch điện tử một cách an toàn.

Chữ ký số HSM

Chữ ký số HSM sử dụng một thiết bị phần cứng chuyên dụng để lưu trữ và bảo vệ các cặp khóa và chứng thư số. Loại chữ ký này được thiết kế cho các ứng dụng yêu cầu tốc độ cao và khả năng xác thực, mã hóa ngay lập tức. HSM có thể thực hiện hàng nghìn chữ ký cùng lúc phù hợp cho các tổ chức lớn hoặc những công ty có nhu cầu ký số số lượng lớn. Thiết bị HSM có thể cắm vào máy tính thông qua thẻ PCMCIA hoặc card PCI.

Chữ ký số SmartCard

Chữ ký số SmartCard - Loại chữ ký số tích hợp trên SIM điện thoại tiện lợi
Chữ ký số SmartCard – Loại chữ ký số tích hợp trên SIM điện thoại tiện lợi

Chữ ký số SmartCard được tích hợp trên SIM điện thoại di động giúp người dùng có thể ký số trực tiếp từ điện thoại ở bất kỳ đâu. Dù rất tiện lợi chữ ký số này cũng có một số hạn chế như phụ thuộc vào SIM của nhà cung cấp và khả năng mạng di động. Khi không có sóng hoặc ở những khu vực sóng yếu người dùng có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện ký số.

Chữ ký số từ xa

Chữ ký số từ xa sử dụng công nghệ điện toán đám mây sẽ cho phép người dùng ký số mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị như điện thoại, laptop hoặc máy tính bảng. Đây là một giải pháp linh hoạt nhưng hiện nay chưa được phổ biến rộng rãi do một số vấn đề bảo mật dữ liệu đang được các nhà cung cấp nghiên cứu và cải tiến.

Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp câu hỏi “Chữ ký số là gì?” và cung cấp những thông tin chi tiết về ứng dụng và lợi ích của chữ ký số trong các giao dịch điện tử. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chữ ký số, pháp lý hay tư vấn pháp luật, thuế, đừng ngần ngại liên hệ với Luật Đại Bàng. Đội ngũ chuyên gia luật sư hàng đầu của chúng tôi sẽ đồng hành và hỗ trợ bạn.