Hợp đồng xây dựng nhà ở là một tài liệu pháp lý quan trọng, xác lập quyền và nghĩa vụ giữa bên chủ đầu tư và bên thi công. Việc soạn thảo hợp đồng rõ ràng, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật không chỉ giúp hạn chế rủi ro mà còn là cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp khi phát sinh. Bài viết của Luật Đại Bàng sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nó và biết cách soạn một văn bản thỏa thuận đầy đủ, đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích cho bạn.
Hợp đồng xây dựng nhà ở là gì?
Tại khoản 1, Điều 138 của Luật xây dựng năm 2014 (LXD 2014) có quy định: “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
Như vậy, hợp đồng xây dựng nhà ở là văn bản thể hiện sự thỏa thuận giữa chủ đầu tư (thường là cá nhân, hộ gia đình) và nhà thầu về việc thi công công trình nhà ở. Nội dung văn bản này bao gồm các điều khoản cụ thể về công việc, tiến độ, chi phí, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi nó được ký, cả hai bên có trách nhiệm tuân thủ đúng theo các điều khoản đã thỏa thuận và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ được quy định.
Nguyên tắc pháp lý để ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng nhà ở
Theo khoản 2, Điều 138 LXD 2014, có 4 nguyên tắc phải tuân thủ nếu muốn ký vào thỏa thuận xây dựng:
- Tham gia trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận bình đẳng, không bị cưỡng ép và không trái với quy định pháp luật;
- Bên có trách nhiệm thanh toán đã chuẩn bị đủ vốn để chi trả như thỏa thuận;
- Đã chọn xong nhà thầu và thống nhất xong các điều khoản;
- Nếu bên nhận thầu là một liên danh thì cần có văn bản thỏa thuận liên danh. Tất cả các thành viên trong liên danh phải ký tên và đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng, ngoại trừ trường hợp đã có sự thống nhất khác từ trước.
Theo khoản 3, Điều 138 LXD 2014, khi tiến hành theo văn bản thỏa thuận, hai bên phải làm theo 3 nguyên tắc sau:
- Các bên ký kết cần thực hiện đúng các điều kiện về phạm vi công việc, yêu cầu về chất lượng, số lượng, loại hình, thời gian và cách thức thực hiện,…;
- Làm việc trung thực, phối hợp hiệu quả và tuân thủ pháp luật;
- Không làm ảnh hưởng hoặc vi phạm đến quyền lợi của Nhà nước, xã hội và các cá nhân, tổ chức khác.
Bên cạnh đó, khoản 4 và khoản 5, Điều 138 LXD 2014 cũng quy định những điểm cần lưu ý khi soạn và ký loại hợp đồng này:
- Ngôn ngữ chính trong văn bản thỏa thuận phải là tiếng Việt. Trong trường hợp có bên nước ngoài tham gia, ngôn ngữ sử dụng sẽ bao gồm tiếng Việt và một ngôn ngữ khác theo thỏa thuận giữa hai bên.
- Việc ký kết và thực hiện bản thỏa thuận này phải tuân thủ LXD 2014 cùng các quy định pháp luật có liên quan khác.
Hợp đồng xây dựng nhà ở gồm các loại nào?
Căn cứ Điều 140, LXD 2014, hợp đồng xây dựng nhà ở được phân loại dựa trên tính chất, nội dung công việc và mức giá. Cụ thể:
Xét theo tính chất và nội dung công việc
Nó bao gồm các hợp đồng:
- Tư vấn xây dựng;
- Thi công xây dựng công trình;
- Cung cấp những thiết bị lắp đặt vào công trình xây dựng;
- Thiết kế và mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng, chìa khóa trao tay.
Xét theo hình thức giá
Loại này gồm những hợp đồng:
- Trọn gói;
- Theo đơn giá điều chỉnh;
- Theo thời gian;
- Theo chi phí cộng phí;
- Theo giá kết hợp;
- Xây dựng khác;
- Xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Nội dung chính trong hợp đồng xây dựng nhà ở
Theo khoản 1, Điều 141, LXD 2014 quy định rõ các nội dung bắt buộc trong loại hợp đồng như sau:
- Căn cứ pháp lý áp dụng;
- Ngôn ngữ áp dụng;
- Nội dung về khối lượng công việc phải làm;
- Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật đối với công việc, nghiệm thu và bàn giao;
- Thời gian, tiến độ thực hiện;
- Giá, tạm ứng, đồng tiền sử dụng trong thanh toán;
- Cam kết bảo đảm thực hiện và bảo lãnh tạm ứng tiền công;
- Điều chỉnh thỏa thuận;
- Quyền và nghĩa vụ của những bên có tham gia;
- Trách nhiệm và mức phạt nếu vi phạm điều khoản đã cam kết;
- Quy định về tạm ngừng hoặc chấm dứt thỏa thuận;
- Cách để tiến hành giải quyết các tranh chấp về thỏa thuận;
- Rủi ro và bất khả kháng;
- Quyết toán, thanh lý hợp đồng;
- Các nội dung khác.
Mẫu hợp đồng thi công xây dựng nhà ở năm 2025
Trong các loại hợp đồng xây dựng nhà ở, thỏa thuận thi công nhà ở là một trong những loại thông dụng nhất. Nhà ở có thể là nhà đơn lẻ tại vùng đô thị hoặc nông thôn. Còn với các công trình như chung cư, nhà cao tầng hoặc các dự án quan trọng khác thì phải tuân theo luật pháp chuyên ngành khác.
Dưới đây là mẫu hợp đồng xây dựng bạn có thể tham khảo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
—***—
HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ Ở
Hôm nay, ngày tháng năm
Tại: số xx đường xx, phường xx, quận xx, tỉnh/thành phố xx
Hai bên gồm có:
BÊN THUÊ THI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ Ở (gọi là Bên A)
Ông/bà:
Số CCCD: Cấp ngày xx/xx/xxxx Tại:
Địa chỉ:
Điện thoại:
BÊN NHẬN THI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ Ở (gọi là Bên B)
Ông/Bà/Công ty:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Chứng chỉ hành nghề (hoặc Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu đơn vị là Công ty) …
Ngày cấp: xx/xx/xxxx Cấp tại:
Hai bên thống nhất ký kết hợp đồng này, theo đó bên A thuê bên B thực hiện phần nhân công xây dựng nhà ở tại địa chỉ………, theo các điều khoản sau:
Điều 1: Phạm vi công việc, giá nhân công, thời gian thi công và tổng giá trị hợp đồng
- Đơn giá xây dựng: Bên A thanh toán trọn gói tiền công cho bên B dựa trên diện tích sàn xây dựng (m2). Cụ thể đơn giá hoàn thiện mỗi m2 được tính là:
+ Sàn chính: x đồng/m2
+ Sàn phụ: x đồng/m2 x 50%
Mức giá trên là chi phí thi công hoàn thiện công trình cho đến khi bàn giao, bao gồm các hạng mục: gia cố thép móng, cột và sàn đúng kỹ thuật, đổ bê tông, xây dựng cầu thang, thi công móng và tường, lắp đặt khung cửa, xây dựng bể nước ngầm và bể phốt hoàn chỉnh, trát tường trong và ngoài, tạo hình phào chỉ, lắp đặt trần, trang trí khu vực ban công, ốp lát tường nhà vệ sinh và nhà bếp, lát nền theo thiết kế, phủ xi măng chống thấm bên ngoài, lắp đặt đầy đủ hệ thống điện nước và sơn hoàn thiện theo yêu cầu kỹ thuật;
Các phần việc khác (nếu có) như: chống đỡ, che chắn nhà bên cạnh hay vận chuyển đất đào móng sẽ do hai bên bàn bạc và thống nhất riêng, không tính trong hợp đồng này.
- Chuẩn bị trước khi thi công: Bên B sẽ đảm nhiệm:
-Vận chuyển vật liệu có trong nội bộ công trình. Bên A sẽ chỉ chịu trách nhiệm về việc vận chuyển vật liệu đến tại chân công trình;
– Sàng cát sạch sẽ, nắn chặt và uốn cốt thép;
– Phun ẩm gạch trước khi tiến hành xây, phun ẩm tường sau khi đã xây, phun bảo dưỡng bê tông theo đúng kỹ thuật;
- Bên B có trách nhiệm sắp xếp thợ điện và thợ lắp nước phối hợp hiệu quả để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ công trình.
- Tiến độ thi công.:
– Ngày bắt đầu thi công: Từ ngày xx/ xx /20xx
– Thời hạn hoàn thành thi công và bàn giao công trình là ngày xx/xx/20xx, đảm bảo chất lượng kỹ thuật và thẩm mỹ, nếu trễ sẽ bị phạt 5% tổng giá trị hợp đồng.
- Trị giá hợp đồng: Giá trị của thỏa thuận này được tính như sau:
Thanh toán theo m2 hoàn thiện x đồng/m2
Điều 2: Trách nhiệm các bên
- Trách nhiệm Bên A:
– Đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư đạt chất lượng, số lượng, cung cấp điện nước và thực hiện tạm ứng, thanh toán đúng thời gian;
– Giao bản vẽ kỹ thuật chi tiết của công trình;
– Bố trí nhân sự giám sát trực tiếp công tác thi công về tiến độ, biện pháp kỹ thuật, kiểm tra khối lượng và chất lượng, đồng thời bàn giao nguyên liệu và xác nhận phần việc mới để tiếp tục thi công;
– Được quyền thay mặt bên B giải quyết tình huống phát sinh khẩn cấp trong thi công;
– Đình chỉ thi công nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn lao động hoặc gây lãng phí vật liệu.
- Trách nhiệm Bên B
– Cung cấp cốp pha gỗ hoặc tôn, xà gồ, cột chống đảm bảo đúng kỹ thuật về số lượng và tiến độ (chi phí thuộc về bên B);
– Bảo đảm có tối thiểu 5 đến 6 thợ chính và 1 đến 2 thợ phụ hoặc nhiều hơn để thực hiện công việc hàng ngày;
– Thi công đúng thiết kế và các yêu cầu của Bên A, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và thẩm mỹ công trình, sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm và hợp lý. Nếu có sai sót, hư hỏng hay lãng phí, phải thi công lại miễn phí và bồi thường vật liệu;
– Lập kế hoạch tiến độ và biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, đồng thời phải có sự đồng thuận của bên A. Mỗi hạng mục phải được bên A kiểm nghiệm trước khi thi công tiếp;
– Việc thi công cần được thực hiện an toàn tuyệt đối nhằm bảo vệ người lao động và công trình. Nếu có tai nạn phát sinh, bên B phải chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật;
– Tự chịu trách nhiệm về chỗ ăn, chỗ ở và sinh hoạt cho công nhân, đồng thời tuân thủ những quy định về trật tự, an ninh và khai tạm trú;
– Bảo vệ nguyên vật liệu bàn giao từ bên A cùng với thiết bị, máy móc thi công;
– Khi đổ bê tông, bên B phải đảm bảo bê tông được đầm chặt bằng thiết bị đầm rung;
– Phải trát phẳng bề mặt tường và trần sao cho khi soi đèn điện không thấy các vết trát gồ ghề;
– Trong vòng 6 tháng kể từ ngày công trình được bên A nghiệm thu và đưa vào sử dụng, bên B có trách nhiệm bảo hành. Trường hợp tường hoặc sàn bê tông bị thấm hay nứt, bên B phải xử lý sửa chữa, đồng thời bên A không thanh toán khoản tiền bảo hành cho bên B;
– Khoản tiền bảo hành công trình chiếm x % tổng giá trị thanh toán.
Điều 3: Thanh toán
– Các đợt thanh toán được thực hiện theo phần công việc đã hoàn thành và đã nghiệm thu:
+ Hoàn thành phần xây thô và đổ mái sẽ được ứng trước 40% (ứng theo từng tầng);
+ Sau khi lát nền, sơn hoàn thiện và bàn giao công trình, bên A sẽ thanh toán tối đa 90% giá trị công việc đã thực hiện;
+ Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, bên A thanh toán số tiền còn lại khi đã trừ đi các khoản đã ứng trước, thanh toán và bảo hành..
Điều 4: Cam kết
– Trong suốt quá trình thi công, khi có vướng mắc xảy ra, hai bên phải gặp mặt và thảo luận để đi đến sự đồng thuận, bảo đảm chất lượng dự án;
– Trong quá trình thực hiện thỏa thuận, nếu bên A nhận thấy bên B không đủ năng lực tổ chức hoặc trình độ kỹ thuật như cam kết, bên A có quyền tạm ngừng hoặc hủy bỏ hợp đồng. Trong trường hợp này, bên B sẽ chỉ được thanh toán 70% giá trị công việc đã nghiệm thu. Phần công việc phải tháo dỡ vì không đạt yêu cầu kỹ thuật sẽ không được thanh toán và bên B phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
– Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký đến khi được thanh lý. Hai bên đảm bảo thực hiện đầy đủ các điều khoản đã thỏa thuận. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật;
– Hợp đồng được lập thành hai bản và mỗi bản đều có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ một bản để thực hiện các điều khoản đã ký.
ĐẠI DIỆN BÊN A ĐẠI DIỆN BÊN B
Kết luận
Tiến hành ký kết hợp đồng xây dựng nhà ở là một bước thiết yếu và rất cần tiết nhằm giúp công trình được triển khai đúng tiến độ, tiết kiệm thời gian, đồng thời bảo đảm an toàn pháp lý và quyền lợi cho cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công. Nếu bạn đang chuẩn bị xây nhà hoặc bạn là một đơn vị thi công, hãy liên hệ Luật Đại Bàng để những luật sư chuyên nghiệp hỗ trợ bạn soạn thảo pháp lý về hợp đồng đúng luật và có lợi nhất cho bạn.
Hoàng Văn Minh nổi tiếng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Với phương châm “Công lý và sự minh bạch” ông Minh không chỉ là một luật sư giỏi mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình bảo vệ quyền lợi pháp lý của mỗi người. Trang web Luật Đại Bàng do ông điều hành đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều người tìm kiếm sự trợ giúp và tư vấn pháp lý. Hoàng Văn Minh cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh hơn.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://luatdaibang.net
- Email: ceohoangvanminh@gmail.com
- Địa chỉ: 292 Đ. Nguyễn Xí, Phường 13, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh, Việt Nam