Tội phạm công nghệ cao đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay. Đây là loại tội phạm sử dụng internet, mạng máy tính để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt. Không chỉ gây thiệt hại tài sản, loại tội phạm này còn đe dọa đến dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia. Vậy tội phạm công nghệ cao được hiểu là gì? Có những mức phạt nào được quy định theo pháp luật? Tìm hiểu ngay ở bài viết dưới của Luật Đại Bàng.
Tội phạm công nghệ cao là gì?
Căn cứ vào Điều 3 của Luật Công nghệ cao năm 2008 có nêu: “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”.
Đồng thời, tại Điều 3 của Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng quy định: Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”.
Như vậy, tội phạm công nghệ cao có thể được hiểu là người có những hành vi phạm tội bằng cách sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số làm công cụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi này có thể gây thiệt hại về tài sản, xâm phạm quyền riêng tư, làm rối loạn an ninh mạng hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích tổ chức, cá nhân.
Yếu tố cấu thành nên tội phạm công nghệ cao
Để có thể xác định một hành vi có cấu thành tội phạm công nghệ cao không, cần phải kiểm tra xem hành vi đó có hội tụ đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm theo luật định hay không. Cụ thể:
Chủ thể
Chủ thể của hành vi phạm tội danh này là người phải có trình độ nhất định về công nghệ, đủ kiến thức và kỹ năng sử dụng thiết bị, công cụ kỹ thuật hoặc trực tiếp tham gia vào quá trình lập trình, phát triển công nghệ phục vụ cho hành vi phạm pháp.
Khách thể
Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), có liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao để xâm phạm trật tự an toàn thông tin, ảnh hưởng đến việc bảo vệ thông tin trong hệ thống máy tính cũng như quyền lợi hợp pháp của tổ chức và các cá nhân liên quan.
Mặt chủ quan
Người phạm tội hành động với lỗi cố ý trực tiếp, có nghĩa là họ biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm và có thể gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình thực hiện. Nếu hành vi xảy ra do lỗi vô ý thì sẽ được cân nhắc dựa trên tính chất và mức độ thiệt hại, từ đó xác định tội danh phù hợp khác.
Mặt khách quan
Tội phạm sử dụng công nghệ cao bao gồm những hành vi tập trung vào việc xâm phạm đến tính an toàn thông tin. Chẳng như đột nhập vào hệ thống máy tính, gây trở ngại cho việc truyền tải dữ liệu hoặc can thiệp, chỉnh sửa trái phép thông tin trong hệ thống. Những hành vi này tác động trực tiếp đến tính bảo mật, toàn vẹn và khả dụng của mạng và thiết bị số.
Hậu quả khi xảy ra hành vi phạm tội về công nghệ cao:
- Gây mất an toàn cho dữ liệu nhạy cảm của cá nhân người dùng và tổ chức.
- Làm rò rỉ thông tin có tính chất chiến lược, an ninh quốc gia.
- Gây thiệt hại kinh tế lớn do làm gián đoạn hoạt động doanh nghiệp và tạo ra gian lận thương mại, làm suy yếu thị trường.
- Vi phạm sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho tác giả, doanh nghiệp và làm giảm động lực sáng tạo, phát triển công nghệ.
Hậu quả xảy ra phải là hệ quả trực tiếp từ hành vi xâm phạm công nghệ cao, làm suy yếu khả năng bảo vệ thông tin và khiến dữ liệu của cá nhân, tổ chức và nhà nước rơi vào tình trạng dễ bị tấn công hoặc lạm dụng.
Có các loại tội phạm công nghệ cao nào?
Theo quy định trong BLHS liên quan đến các hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, tội phạm công nghệ cao được phân thành 2 nhóm, cụ thể:
Nhóm tội dùng công nghệ cao thuần túy
Tội phạm sử dụng công nghệ cao thuần túy là những hành vi trực tiếp tác động xấu đến tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính, làm suy yếu trật tự an toàn thông tin trong xã hội. Bao gồm:
- Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285 BLHS 2015, sửa đổi 2017);
- Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286 BLHS 2015);
- Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287 BLHS 2015);
- Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015);
- Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289 BLHS 2015).
Nhóm tội phạm dùng máy tính, thiết bị số và mạng để làm công cụ vi phạm pháp luật
Nhóm này bao gồm các đối tượng tội phạm truyền thống nhưng được tiến hành với phương pháp tinh vi hơn bằng việc tận dụng công nghệ thông tin làm công cụ phạm pháp, gồm:
- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS 2015);
- Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291 BLHS 2015);
- Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293 BLHS 2015);
- Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294 BLHS 2015).
Hình phạt dành cho tội phạm công nghệ cao
Mỗi loại tội phạm công nghệ cao sẽ bị xử lý theo khung hình phạt được áp dụng riêng tùy vào tính chất và mức độ vi phạm. Sau đây là một số tội phổ biến trong nhóm tội phạm này và mức phạt tương ứng:
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289 BLHS 2015)
Các mức phạt cho tội này gồm:
- Người cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, chiếm quyền quản trị, xâm nhập trái phép vào mạng hoặc thiết bị điện tử để can thiệp hoạt động, chiếm đoạt, thay đổi, hủy hoại dữ liệu hoặc sử dụng trái phép dịch vụ sẽ bị phạt 50 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù 1 đến 5 năm.
- Bị phạt 300 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc 3 đến 7 năm nếu:
- Phạm tội có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ;
- Thu lợi bất chính từ 200 đến 500 triệu đồng;
- Gây thiệt hại 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng;
- Xâm phạm hạ tầng Internet quốc gia;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tù 7 đến 12 năm nếu:
- Phạm tội đối với hệ thống thuộc bí mật nhà nước, quốc phòng và an ninh;
- Xâm nhập hạ tầng thông tin trọng yếu (thông tin quốc gia, lưới điện, ngân hàng, giao thông);
- Thu lợi bất chính từ trên 500 triệu đồng;
- Gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
- Ngoài hình phạt chính, tội phạm còn có thể bị phạt bổ sung 5 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1 đến 5 năm.
Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS 2015)
Các khung hình phạt áp dụng:
- Người sử dụng mạng máy tính, viễn thông hoặc thiết bị điện tử để chiếm đoạt tài sản qua các hành vi sau (nếu không thuộc Điều 173, 174 BLHS), sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ trong 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm:
- Dùng thông tin tài khoản hoặc thẻ ngân hàng của người khác để chiếm đoạt tài sản hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
- Làm giả, giao dịch và sử dụng thẻ ngân hàng giả nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác;
- Xâm nhập trái phép vào tài khoản của người khác để chiếm đoạt tiền bạc;
- Lợi dụng các hình thức kinh doanh qua mạng như thương mại điện tử, đầu tư tiền tệ, chứng khoán hay huy động vốn để lừa đảo tài sản.;
- Thiết lập hạ tầng mạng trái phép nhằm thu lợi bất chính từ người dùng.
- Phạt tù 2 đến 7 năm nếu:
- Phạm tội có tổ chức;
- Phạm tội trên 2 lần;
- Phạm tội chuyên nghiệp;
- Có 50 đến dưới 200 thẻ giả;
- Chiếm đoạt 50 đến dưới 200 triệu;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tù 7 đến 15 năm nếu:
- Chiếm đoạt 200 đến dưới 500 triệu đồng;
- Gây thiệt hại 300 đến dưới 500 triệu đồng;
- Có 200 đến dưới 500 thẻ giả;
- Phạt tù 12 đến 20 năm nếu:
- Trục lợi trên 500 triệu đồng;
- Gây tổn thất trên 500 triệu đồng;
- Có trên 500 thẻ giả.
- Phạt bổ sung: 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề 1 đến 5 năm, hoặc tịch thu tài sản.
Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291 BLHS 2015)
Những mức phạt đối với người phạm tội này là:
- Người thu thập, lưu giữ, trao đổi, mua bán hoặc công khai trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác từ 20 đến dưới 50 tài khoản, hoặc thu lợi bất chính 20 đến 50 triệu đồng sẽ bị phạt tiền 20 đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ 3 năm.
- Trường hợp vi phạm thuộc một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
- Tự ý thu giữ, buôn bán hoặc phát tán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng nằm trong khoảng từ 50 đến dưới 200 tài khoản;
- Có tổ chức;
- Phạm tội chuyên nghiệp;
- Thu lợi bất chính 50 đến dưới 200 triệu đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tiền 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù 2 đến 7 năm nếu:
- Thực hiện hành vi thu thập, lưu giữ, mua bán hoặc công khai thông tin tài khoản ngân hàng của người khác trái phép trên 200 tài khoản.
- Trục lợi hơn 200 triệu đồng.
- Ngoài hình phạt chính, người vi phạm có thể bị phạt bổ sung bằng tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, bị cấm giữ chức vụ, hành nghề hoặc thực hiện một số công việc nhất định trong thời hạn từ 1 đến 5 năm và có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản sở hữu.
Tội phạm công nghệ cao là vấn đề nhức nhối trong thời đại số, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần trang bị đầy đủ kiến thức để nhận diện, phòng tránh và xử lý khi xảy ra sự cố. Việc hiểu đúng luật và có sự hỗ trợ từ đơn vị pháp lý chuyên nghiệp sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi tối ưu. Nếu gặp phải rắc rối liên quan loại tội phạm này hoặc vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ dịch vụ luật sư Luật hình sự tại website: luatdaibang.net để được tư vấn và xử lý tận gốc vấn đề nhé!
Hoàng Văn Minh nổi tiếng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, và luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Với phương châm “Công lý và sự minh bạch” ông Minh không chỉ là một luật sư giỏi mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hành trình bảo vệ quyền lợi pháp lý của mỗi người. Trang web Luật Đại Bàng do ông điều hành đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho nhiều người tìm kiếm sự trợ giúp và tư vấn pháp lý. Hoàng Văn Minh cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng bằng kiến thức và sự hiểu biết của mình, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh hơn.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://luatdaibang.net
- Email: [email protected]
- Địa chỉ: 292 Đ. Nguyễn Xí, Phường 13, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh, Việt Nam